ĐẤU THẦU TẬP TRUNG VẬT TƯ Y TẾ: Lộ ra những “chiêu trò bẩn” ?
VH- Lần đầu tiên BHXH Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đấu thầu thuốc tập trung. Kết quả, giá các mặt hàng thuốc trúng thầu đã rẻ hơn 21%, tương ứng khoảng 251 tỉ đồng. Điều khiến dư luận băn khoăn là, liệu nó có rơi vào tình trạng “tiền nào của nấy”?
Kết quả đấu thầu thuốc tập trung năm 201
Đấu thầu thuốc giá rẻ, chất lượng có giảm?
Việc đấu thầu tập trung để lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với 20 loại thuốc. Nếu theo giá đấu thầu từng tỉnh, từng bệnh viện thực hiện như các năm trước thì tổng giá của gói thầu này là trên 1 nghìn tỉ đồng, trong khi kết quả đấu thầu tập trung chỉ là gần 936 tỉ đồng, giảm 251 tỉ đồng. Trung bình giảm 10 - 15%, đặc biệt có mặt hàng thuốc giảm 54%.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, 5 hoạt chất này được chia thành các nhóm thuốc: Nhóm thuốc sản xuất ở nước ngoài, nhóm sản xuất trong nước... Do đó, nhóm thuốc thể hiện chất lượng thuốc chứ không phải ở giá thuốc, và càng không có chuyện “tiền nào của nấy”.
Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược - Vật tư (BHXH Việt Nam) nêu ví dụ: Một loại thuốc nếu năm trước đấu thầu với giá 2.000 đồng thì chính thuốc ấy năm nay đấu thầu tập trung chỉ còn 1.500 đồng, tức là giá đã rẻ đi 500 đồng. Có nghĩa là cùng một loại thuốc, một loại vật tư đấy nhưng các hội đồng đấu thầu của các tỉnh lại có giá khác nhau do đó đấu thầu tập trung khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá.
Điều này chứng tỏ, nếu đơn vị tổ chức khi xây dựng giá kế hoạch tốt thì sẽ có chất lượng giá tốt, nếu giá phê duyệt cao thì sẽ mua giá cao. “Theo kế hoạch 2018 chúng tôi đã chủ động đề xuất với Bộ Y tế để tổ chức đấu thầu thuốc tập trung với 9 hoạt chất với 21 danh mục thuốc và sẽ áp dụng vào năm 2019 - 2020. Đây là 9 hoạt chất được sử dụng với số lượng lớn và ở nhiều nhóm, mức giá khác nhau, trong 21 thuốc thì nhóm kháng sinh chiếm 16 thuốc, trong việc điều trị bệnh tiểu đường và tiêu hóa”, ông Tỉnh nói.
Đấu thầu tập trung vật tư y tế sẽ tiết kiệm nhiều hơn
Ông Phạm Lương Sơn cho biết, chính vì chi phí vật tư y tế lớn như kể trên nên có hiện tượng dải giá rộng. Nghĩa là, cùng một loại vật tư nhưng giá có thể từ 2 - 3 triệu lên tới 20 triệu. Ví dụ thủy tinh thể nhân tạo nó có loại cứng, loại mềm và có giá từ 2, 3 triệu đến 19 triệu cho loại ánh sáng xanh, ánh sáng đỏ... là minh chứng cho việc dải giá rộng.
Do đó, để đấu thầu thuốc tập trung thì phải khu trú lại theo Thông tư 35 của Bộ Y tế, hội đồng tư vấn bao gồm các chuyên gia đầu ngành về mắt và chuyên sâu nữa là chuyên mổ mắt nhằm đưa ra những tiêu chí kỹ thuật. Loại thủy tinh thể ở mức giá 3,3 triệu là mức hoàn toàn đáp ứng đủ các yêu cầu và kết luận đưa ra mức trần cho thủy tinh thể là 3,3 triệu. Nếu đấu thầu tập trung sẽ khắc phục được hiện tượng mỗi nơi “hét” một giá và Quỹ BHYT phải chi trả theo giá đó.
Tương tự, khớp háng nhân tạo, cùng một hãng của Đức nhưng có doanh nghiệp lại đưa giá 58 triệu, có doanh nghiệp lại ra giá 35 triệu, mà không có giá trần tức cũng là dải giá. Stent tim mạch có giá 16 triệu, 25 triệu, thậm chí giá 200 triệu cho stent sinh học... Nên việc khu trú tại mức trần tối đa bao nhiêu thì đáp ứng nhu cầu kỹ thuật sẽ do Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia chuyên ngành quy định.
“Nếu không đấu thầu tập trung mà đấu thầu theo từng tỉnh thì giá không thống nhất. Sự không thống nhất đối với thuốc thì chênh lệch ít, nhưng với vật tư y tế thì rất lớn và tiền bất hợp lý mà Quỹ BHYT và người bệnh bỏ ra sẽ nhiều. Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo và việc đấu thầu vật tư y tế tập trung sẽ sớm được thực hiện”, Phó Tổng giám đốc BHXH VN nói.
Khớp háng nhân tạo, cùng một hãng của Đức nhưng có doanh nghiệp lại đưa giá 58 triệu, có doanh nghiệp lại ra giá 35 triệu, mà không có giá trần tức cũng là dải giá. Stent tim mạch có giá 16 triệu, 25 triệu, thậm chí giá 200 triệu cho stent sinh học... Nên việc khu trú tại mức trần tối đa bao nhiêu thì đáp ứng nhu cầu kỹ thuật sẽ do Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia chuyên ngành quy định. |
QUỲNH HOA